CÔNG NGHỆ LUYỆN KIM BỘT

Công nghệ luyện kim bột được ứng dụng ngày càng rộng rãi để chế tạo các chi tiết máy phức tạp, những chi tiết ghép từ các vật liệu khác biệt ( kim loại-chất dẻo; kim loại thủy tinh; vv... ) , những chi tiết có độ cứng cao và nhiệt độ làm việc siêu cao trong ngành công nghiệp hạt nhân, vũ trụ. Hiện người ta cũng đã ứng dụng rất nhiều những sản phẩm của phương pháp kim loại bột trong công nghiệp và đời sống. Tuy nhiên ngành kim loại bột của chúng ta phát triển ở mức còn thấp. Rất nhiều chi tiết, vật liệu được chế tạo theo phương pháp kim loại bột chúng ta buộc phải đặt mua từ nước ngoài. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư có triển vọng.

Vật liệu, sản phẩm sản xuất theo phương pháp kim loại bột gồm 3 bước :

- Chế tạo bột kim loại, hợp kim hay phi kim có thành phần đúng với yêu cầu ở dạng bột rắn và mịn. Thường sản xuất bột kim loại theo phương pháp nghiền, phun tia kim loại lỏng dưới áp lực cao vào môi trường nguội nhanh, điện phân, hoàn nguyên.



- Tạo hình : theo thiết kế sản phẩm lấy các loại bột theo tỉ lệ xác định và trộn lẫn thật đều rồi đưa vào khuôn ép nén dưới áp lực 100- 1000 MPa. Muốn có khối lượng riêng lớn và đồng đều phải ép dưới áp lực cao đồng thời rung cơ học .

- Thiêu kết : Ép xong đem nung nóng đến nhiệt độ và trong khoảng thời gian xác định trong chân không hoặc trong môi trường khí bảo vệ. Sẽ sảy ra qúa trình kết tinh lại tạo ra các hạt mới đa cạnh, các hạt liên kết bền vững với nhau làm tăng cơ lý tính của sản phẩm đến giá trị mong muốn. Có thể kết hợp ép tạo hình và thiêu kết đồng thời vào một bước để đạt được mật độ cao nhất.

Đặc điểm của phương pháp :

Nguyên liệu được sử dụng gần như triệt để ( hư hao nguyên liệu ít ).

Sản phẩm ra có tình đồng nhất cao và ít phải gia công.

Cấu trúc tế vi : không xít chặt luôn có lỗ rỗng. Độ xốp thay đổi từ 2 đến vài chục % tùy theo phương pháp công nghệ và yêu cầu chế tạo sản phẩm.

Có nhiều sản phẩm chế tạo theo phương pháp kim loại bột sẽ rẻ hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.

 

- Những ứng dụng của phương pháp kim loại bột :

 


Người ta dùng phương pháp kim loại bột để chế tạo :

1- Hợp kim cứng : để sản xuất vật liệu cắt gọt có tính chịu nóng cao tới 1000 độ C, tốc độ cắt đến hàng trăm m/ph. Loại này sử dụng bột WC, TiC, TaC và một lượng nhỏ côban làm chất kết dính. Có thể dùng một, hai hoặc ba cácbit và tương ứng sẽ có hợp kim cứng một, hai hoặc ba cacbit. Ví dụ, loại một cacbit WCCo15; loại hai cacbit WCTiC14Co8, loại ba cacbit WCTiC4TaC3Co12.

2- Vật liệu làm đĩa cắt : dùng các vật liệu siêu cứng như kim cương nhân tạo hoặc nitrir bo BN. Chất kết dính là bột B, Be hoặc Si. Ép nóng dưới áp lực và nhiệt độ cao hoặc rất cao tùy thuộc yêu cầu công nghệ.

3- Vật liệu mài : dùng bột SiC, chất kết dính là nhựa hữu cơ hay gốm thủy tinh.

4- Vật liệu kết cấu trên cơ sở nhôm và hợp kim nhôm ( SAP; SAAP ) hoặc trên cơ sở sắt và thép, hoặc trên cơ sở đồng và hợp kim đồng.

5 - Chế tạo thép gió theo phương pháp kim loại bột có thể tạo ra mác thép gió hợp kim hóa cao và dụng cụ có hình dạng phức tạp. Độ bền cao hơn so với phương pháp cổ điển 1,5 - 3 lần.

6- Bạc xốp tự bôi trơn: dùng bột đồng hoặc sắt và một lượng nhỏ grafit. Người ta chế tạo bạc có độ xốp 10-25% và cho thấm dầu nhớt trong chân không ở nhiệt động khoảng 70 độ C.
Bạc xốp tự bôi trơn là loại ổ trượt được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp và đồ dùng gia dụng. Ở VN hiện đã có đơn vị sản xuất ra bột đồng bằng công nghệ ngoại nhập chất lượng cao đạt tiêu chuẩn EU :

TT Kích thước hạt(Micrômét )
loại 1: 75
loại 2: 71 -125
loại 3: 125 - 160
loại 4: 160 - 250
loại 5: 250 - 355
loại 6: >355
T/phần hóa học: Tương đương mác đồng M3, M2, M1. Hàm lượng Cu≥ 99,7%

Một số loại bột khác cần dùng trong phương pháp kim loại bột chúng ta cũng có thể nhập. Chúng tôi có thể tư vấn chuyển giao công nghệ và thiết bị sản xuất bạc đồng xốp của Ucraina.Vốn đầu tư không cao. Nếu làm tốt công tác thị trường thì thời gian hoàn vốn khá nhanh.

7- Chế tạo vật liệu ghép từ những vật liệu có tính chất khác biệt, một số loại vật liệu mới.

theo: http://xadovietnam.com/CNKLBot.htm

Chia sẻ: